[Chuyện Gạo Kể] Gạo Lứt và những điều bạn chưa biết - phần 2

[Chuyện Gạo Kể] Gạo Lứt và những điều bạn chưa biết - phần 2

Mến chào các bạn, hạt gạo Tròn Đầy từ nhà Vinh Hiển và những câu chuyện mỗi tuần rất vui được gặp lại mọi người, “mọi người hiểu hôn?”

Chủ đề hôm nay chắc bạn cũng đã biết đúng không ạ? Cái “vê lốc” dài lê thê về người anh em Gạo Lứt của mình lại tiếp tục phần tiếp theo đây.

Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về gạo lứt là gì, phân loại, các công dụng của gạo lứt và các chế phẩm từ gạo lứt. Phần này, chúng ta sẽ đi sâu hơn vào công dụng của loại gạo này đối với sức khoẻ, hay có nên thay thế gạo trắng bằng gạo lứt? Tròn và bạn cùng nhau tìm hiểu nhé.

Gạo Lứt có thực sự tốt?



Gạo lứt và bệnh tiểu đường


Nhiều nghiên cứu cho thấy, gạo lứt có khả năng kiểm soát quản lý và làm giảm hàm lượng glucose trong máu của những người bị bệnh tiểu đường. Lớp ngoài của gạo lứt có tác dụng làm giảm hàm lượng glucose trong máu, hàm lượng hemoglobin đã được glycosyl-hóa và cải thiện sự tổng hợp insulin ở các người bị bệnh đái đường type I và type II.

Các thành phần dinh dưỡng và vitamin trong gạo lứt đều đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa glucose trong cơ thể từ đó giúp kiểm soát hàm lượng này tốt hơn cho bệnh nhân tiểu đường.


Gạo lứt và bệnh tim mạch


Một số chất dinh dưỡng có trong gạo lứt như chất xơ, carotenoid, phytosterol, acid omega 3 và IP6 đều có vai trò rất quan trọng trong việc phòng chống sự ngưng kết các tiểu huyết cầu và làm giảm hàm lượng cholesterol và triglyceride.

Làm giảm cholesterol xấu và làm tăng cholesterol tốt; giảm việc hấp thụ chất béo và cholesterol; làm tăng việc bài tiết chất béo, cholesterol và acid mật; làm giảm áp suất máu và triglyceride, ngăn ngừa việc ngưng kết tiểu huyết cầu đồng thời đã làm giảm các nguy cơ đột qụy hoặc các tai biến tim mạch.


Gạo lứt giúp ngăn ngừa nguy cơ ung thư


Gạo lứt có tác dụng kìm hãm việc sinh sản nhanh các tế bào bất bình thường. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan hết sức mật thiết giữa việc cung cấp chất xơ cao trong chế độ ăn uống và việc giảm nguy cơ các bệnh ung thư ruột kết, ung thư vú. IP6 trong gạo lứt có hoạt tính chống ung thư rõ ràng và ngăn ngừa việc phát triển tế bào khối u trong ung thư đường ruột và ung thư gan.


Hình ảnh có liên quan

Gạo Lứt có những công dụng tuyệt vời cho sức khoẻ (Nguồn: Internet)



Gạo lứt giúp hỗ trợ giảm cân


Chất xơ trong gạo lứt khiến bạn tiêu hóa lâu hơn vì vậy sẽ tạo cảm giác no lâu hơn trong một khoảng thời gian dài, tránh cảm giác thèm ăn. Chất Anpha lipoic acid được tìm thấy trong tinh chất gạo lứt được gọi là antioxidant chuyển hóa vì nó tham gia vào quá trình chuyển đổi hydratcarbon và chất béo. Chất này làm giảm mỡ dự trữ, giảm béo thông qua sự tăng tự nhiên lượng glutation - một sản phẩm trung gian của insulin và liprin.


Vì sao gạo Lứt vẫn chưa được chọn là món ăn hằng ngày?


Nếu bạn có vấn đề về hệ tiêu hóa thì gạo trắng sẽ là sự lựa chọn tốt. Bởi lẽ, gạo trắng chứa ít chất xơ, có vị nhạt và dễ tiêu hóa. Một chế độ ăn ít chất xơ sẽ giảm áp lực cho hệ tiêu hóa. Những người mắc bệnh viêm loét đại tràng, viêm ruột hoặc gặp phải các triệu chứng như ợ nóng, buồn nôn nên áp dụng chế độ ăn ít chất xơ để cải thiện sức khỏe.

Có nên ăn gạo lứt thay cho gạo trắng hay không còn tùy thuộc vào tình hình sức khỏe của mỗi người. Tuy gạo lứt có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn gạo trắng nhưng thay thế hoàn toàn gạo lứt trong khẩu phần ăn hằng ngày là việc rất khó để thực hiện, đặc biệt ở một số quốc gia mà gạo trắng được xem là thực phẩm thiết yếu. Vì vậy, lời khuyên tốt nhất dành cho bạn chính là nên áp dụng chế độ ăn xen kẽ giữa gạo trắng và gạo lứt để duy trì sức khỏe cũng như phòng ngừa bệnh tật.


Gạo Lứt không phải thần dược


Quào! Gạo Lứt quả thực có vô số các công dụng tốt cho sức khoẻ. Thế nhưng, “luôn là đủ, thì mới hạnh phúc” bạn nhé :)

Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện nay chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định tác dụng chữa bệnh của gạo lứt mà chỉ là lời truyền miệng. Nhiều người đã sử dụng và thu về lợi ích nhất định nhưng chúng cũng chỉ dừng lại ở việc HỖ TRỢ CHỮA BỆNH.

Theo các bác sĩ, chúng ta chỉ nên ăn gạo lứt 2-3 lần/tuần bởi dùng thường xuyên không mang nhiều lại lợi ích, thậm chí còn gây phản tác dụng. Khi ăn, bạn phải nhai thật kỹ cho đến khi ra nước mới nuốt, nếu không sẽ gây ra chứng khó tiêu.

Nhiều người nhận định, khi ăn gạo lứt đôi lúc sẽ cảm thấy khát nước rất nhiều. Vì gạo lứt có khả năng hấp thụ nước khá tốt. Nên nếu trong lúc ăn bạn nhai không kỹ, phần lớn nước bọt của bạn sẽ bị gạo hấp thụ, tạo cảm giác khát nước sau khi ăn.

Đó là hầu hết những gì Tròn có thể tâm sự với bạn về người anh em thiện lành Gạo Lứt của tôi. Nếu bạn có thêm những kiến thức gì về gạo lứt nằm ngoài hiểu biết của Tròn, bạn có thể để lại bình luận để Tròn và bạn cùng bàn luận nhé.

Các bạn có chủ đề nào hay thích mình tâm sự về vấn đề nào, cũng hãy để lại bình luận cho mình biết. Hãy nhớ theo dõi câu chuyện của Tròn hằng tuần trên  Fan Page Gạo Vinh HiểnBlog Gạo Kể Bạn Nghe nhé.

← Bài trước Bài sau →