[Chuyện Gạo Kể] Gạo kể chuyện ngày Trung Thu

[Chuyện Gạo Kể] Gạo kể chuyện ngày Trung Thu

Mến chào các bạn, Hạt Gạo Tròn Đầy “chênh chắn” nhà Vinh Hiển lại tìm đến bạn vào Tết Trung Thu đây.

Còn 2 ngày nữa là Trung Thu đến gõ cửa rồi đó mọi người ơi. Trung Thu này Tròn vẫn cứ háo hức với mấy bài hát rước đèn của các bạn nhỏ, với những mẻ bánh nướng, bánh dẻo thơm lừng, với cả những bữa cơm sum họp ấm tình đoàn viên.

Nhân dịp Trung Thu này, cũng như những tuần trước, Tròn lại mang đến cho các bạn những câu chuyện về mùa trăng tròn nhé.  

Truyền thuyết Tết Trung Thu

Tết Trung Thu theo Âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm, đây đã trở thành ngày Tết Thiếu nhi, còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết hoa đăng. Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi như đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, tò he,... và được ăn bánh trung thu nướng, dẻo. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thoả thích. 

“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi

Em rước đèn đi khắp phố phường

Lòng vui sướng với đèn trong tay

Em múa ca trong ánh trăng rằm

Đèn ông sao với đèn cá chép

Đèn thiên nga với đèn bướm bướm

Em rước đèn này đến cung trăng

Đèn xanh lơ với đèn tím tím

Đèn xanh lam với đèn trắng trắng

Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu”

Sự tích Hậu Nghệ - Hằng Nga

Ngoài sự tích chú Cuội và gốc đa quen thuộc, Tròn đã thu thập được một truyền thuyết về Trung Thu khá hay và mình sẽ chia sẻ cho bạn nghe nhé.

Hậu Nghệ là một cung thủ giỏi và Hằng Nga là một tiên nữ xinh đẹp sống ở Thiên Đình, phục vụ cho Tây Vương Mẫu. Cả hai người là vợ chồng. Đôi “trai tài gái sắc” đã làm cho một số vị thần tiên khác ganh ghét. Họ đã vu oan một tội lỗi phạm thiên đình cho Hậu Nghệ trước mặt Vua Nghiêu. Hằng Nga và Hậu Nghệ bị đuổi khỏi hoàng cung và phải sống cuộc đời thường dân và Hậu Nghệ trở thành một xạ thủ có tiếng trong dân gian.

Bấy giờ, có 10 mặt trời cùng lúc tồn tại, cứ thay phiên chiếu sáng mỗi ngày. Bỗng nhiên, một ngày kia cả 10 mặt trời cùng xuất hiện trong một ngày và đã thiêu cháy hầu hết sinh linh trên mặt đất. Trước hoàn cảnh đó, Vua Nghiêu đã sai Hậu Nghệ bắn rơi 9 mặt trời chỉ để một cái lại mà thôi. Sau khi Hậu Nghệ đã hoàn thành sứ mạng xuất sắc và làm chủ mặt trời, Vua Nghiêu đã cho chàng một viên thuốc trường sinh bất lão và dặn rằng “Tạm thời không được uống cái này và hãy bắt đầu cầu nguyện và ăn chay trong một năm sau đó mới được uống”. Chàng đem viên thuốc về nhà và giấu nó ở cái rui trên nóc nhà và tự khổ luyện tinh thần. Được khoảng nửa năm, Vua Nghiêu mời chàng đến kinh thành tham quan. Hằng Nga ở nhà thì bỗng phát hiện ra viên linh dược, biết là linh dược, nàng đã uống ngay. Hậu Nghệ vừa về đến và nhìn thấy Hằng Nga bắt đầu bay về trời.

Với chiếc nỏ trong tay, Hậu Nghệ đuổi theo Hằng Nga. Nhưng đi được đến nửa đường thì thần Gió đã cản chàng lại mặc cho nàng tiên nữ xinh đẹp kia bay đến mặt trăng. Khi vừa đến nơi Hằng Nga viên thuốc bỗng văng ra. Kể từ đó, Hằng Nga mãi ở trên mặt trăng không thể nào trở lại. Ở mặt trăng, nàng làm bạn với những chú Thỏ Ngọc và nhờ thỏ tạo ra viên thuốc giống như vậy để nàng còn quay về với người chồng ngày đêm mong nhớ, nhưng tất cả đều vô dụng.

Image result for hằng nga thỏ ngọc

Hằng Nga - Thỏ Ngọc (Nguồn: Internet)

Trong khi đó, ở dương thế, Hậu Nghệ xây một lâu đài trong mặt trời và đặt tên là “Dương”. Còn Hằng Nga cũng xây một lâu đài ở mặt trăng đặt tên là “Âm”. Vua Nghiêu cảm động và cho 2 người gặp nhau vào rằm tháng 8 hằng năm. Chính vì thế mà mặt trăng luôn thật tròn và thật sáng vào ngày này như để thể hiện niềm vui. Nhân gian lấy hiện tượng đó làm ngày Tết Trung Thu, đại diện cho ngày vui sum họp gia đình.

[Theo Truyện Xưa Tích Cũ]

Một số hoạt động trong ngày Tết Trung Thu

Ngày Tết Trung thu sẽ không thể vui nếu mất đi những hoạt động vui chơi truyền thống, các bạn hãy cùng Tròn xem các hoạt động ấy là gì nhé. 

Rước đèn

Ở một số vùng nông thôn ngày nay đến ngày Tết Trung Thu, các trẻ con trong làng thường nối đuôi nhau rước đèn khắp làng xóm và hát ngân nga bài ca về Trung Thu. Một số nơi còn phát động lễ hội rước đèn lớn. Tại Phan Thiết (Bình Thuận), người ta tổ chức rước đèn quy mô lớn với hàng ngàn học sinh tiểu học và trung học cơ sở đi khắp các đường phố, lễ hội này được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam. Đây là lễ hội rước đèn trung thu truyền thống có từ hàng trăm năm nay, và quy mô của lễ hội tại Phan Thiết mỗi năm một hoành tráng và to lớn hơn.

Bày mâm cỗ

Mâm cỗ Trung Thu thường có một chú chó được làm bằng múi bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con. Những loại quả, thức ăn đặc trưng của dịp này là chuối, quả thị, hồng đỏ và hồng ngâm màu xanh, vài quả na.... Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu. Phong tục trông trăng cũng liên quan đến sự tích Chú Cuội trên cung trăng, do một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng với cả cây của mình. Nhìn lên Mặt Trăng, có thể thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, và trẻ em tin rằng, đó là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa.

Image result for mâm cỗ trung thu

Mâm cỗ Trung Thu (Nguồn: Internet)

Ngắm trăng

Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.

Hát trống quân

Tết ở miền Bắc còn có tục hát trống quân. Đôi bên nam nữ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào một sợi dây gai hoặc dây thép căng trên một chiếc thùng rỗng, bật ra những tiếng “thùng thình thùng thình” làm nhịp cho câu hát. Những câu hát vận tức là hát theo vần, theo ý hoặc hát đố có khi có sẵn, có khi lúc hát mới ứng khẩu đặt ra. Cuộc đối đáp trong những buổi hát trống quân rất vui và nhiều khi gay go vì những câu đố hiểm hóc. 

[Theo Wikipedia]

Mặt trăng mùa Trung Thu nào cũng tròn như tên Tròn Đầy của mình hết. Vì Gạo Tròn Đầy là sứ giả của Gạo Vinh Hiển mang đến nhà bạn những câu chuyện tròn trịa và yêu thương mà.

Chia sẻ câu chuyện Trung Thu của bạn cho Tròn nghe với. Đồng thời, theo dõi chuyện mình kể hằng tuần trên 2 kênh  Fan Page Gạo Vinh Hiển hoặc Blog Gạo Kể Bạn Nghe Và cũng đừng quên cho Tròn biết chủ đề mà các bạn muốn mình cùng bàn luận là gì nhé. Mỗi tuần một câu chuyện hay ạ.

← Bài trước Bài sau →