[Chuyện Gạo Kể] Chọn giống lúa như thế nào?

[Chuyện Gạo Kể] Chọn giống lúa như thế nào?

Mến chào các bạn, Gạo Tròn Đầy nhà Vinh Hiển và những câu chuyện mỗi tuần đây.

“Xung quanh anh lại một lần nữa toàn là nước êy” nhưng không phải nước sông như Đen nữa bạn ạ. Mà đến từ những cơn mưa tầm tã mấy ngày qua.

Trở lại với series những câu chuyện về cây lúa, hôm nay Tròn sẽ chia sẻ cùng bạn quá trình chọn lúa giống.


Giống lúa tốt quan trọng thế nào?

“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là điều mà ông bà ta hay truyền dạy con cháu.

Muốn có cây lúa khoẻ thì chắc chắn phải có hạt giống tốt và khoẻ mạnh.

Gieo trồng hạt giống khoẻ, có chất lượng cao là điều kiện cần thiết để có một vụ mùa thu hoạch cao (có thể tăng năng suất từ 5-20%)  và góp phần gia tăng chất lượng nông sản hàng hóa.

Vì khâu để giống và chọn giống phải có chất lượng tốt thì cây lúa trồng sau này sẽ được khoẻ mạnh, chịu đựng được và vượt qua được biến động của môi trường sống (gặp hạn hoặc gặp lạnh đột ngột).

Đến nay, Việt Nam có trên 80% diện tích lúa được trồng bằng các giống lúa cải tiến và ngành nông nghiệp đã làm chủ được các công nghệ tiên tiến trong chọn tạo giống lúa. Trong đó, Viện Nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long với phương pháp ứng dụng công nghệ sinh học (marker phân tử, nuôi cấy túi phấn) kết hợp với khảo nghiệm đồng ruộng đã chọn tạo giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt như: OM 4900, OM2517, OM3536, OM2717, OM2718, OM3405, OM 5451...


Chọn giống lúa như thế nào?

Để sản xuất được những hạt gạo khoẻ mạnh, xinh đẹp như Tròn thì giống lúa cần thoả những điều kiện sau:

1. Hạt giống phải thuần, đúng giống, phải đồng nhất về kích cỡ, giống không bị lẫn những giống khác, hạt cỏ và tạp chất. Hạt giống phải sáng mẩy, không hoặc có rất ít hạt lẹm (chỉ chấp nhận có hạt lem 0,5% bị lẫn trong hạt giống, nghĩa là 1.000 hạt chỉ có 5 hạt hạt lem), có rất ít hạt lửng và hạt bị dị dạng.

Tỷ lệ nảy mầm cao (hơn 80%) và cây mạ phải có sức sống mạnh.

3. Hạt giống không bị côn trùng phá hoại (sâu mọt), không lẫn hạch nấm hoặc không mang mầm bệnh nguy hiểm.

4. Loại bỏ những hạt giống có mầm bệnh để hạn chế rủi ro cho cây lúa sau này


Cải thiện chất lượng hạt giống ngay từ trên đồng ruộng

Các bác nông dân có thể cải thiện giống lúa ngay từ cánh đồng

Kỹ thuật canh tác: Bảo đảm cây lúa sinh trưởng tốt (bón phân cân đối và đầy đủ, quản lý nước tốt, làm sạch cỏ dại, không có lúa rầy trên chân ruộng, phòng trừ sâu bệnh tốt ở cuối vụ như bệnh vàng lá, bệnh đốm vằn, bệnh cháy bìa lá, rầy nâu, bọ xít dài,& để hạn chế gây lép hạt ở tỷ lệ cao, hạn chế vi sinh vật gây bệnh cho hạt và đặc biệt không lấy giống ở những ruộng có bệnh gây hại nặng  như bệnh đạo ôn, lúa von, bệnh cháy bìa lá, bệnh lem lép hạt & (vì những bệnh này có khả năng lây truyền qua hạt giống)

Khử lẫn: Tiến hành khử lẫn ngay từ đầu để bảo đảm lúa bằng đọt và sau khi trổ tiến hành khử lẫn lần cuối để bảo đảm độ thuần. Cách khử lẫn như sau: Nhổ bỏ những cây cao và ngoài hàng (cấy hoặc sạ theo hàng), cắt những bông lúa khác so với quần thể như lúa cỏ, lúa von, lúa khác giống.


Bảo quản lúa giống

Khâu phơi nắng

Theo kinh nghiệm, chỉ phơi hạt giống lúa một nắng là đạt độ ẩm 12%. Thường khi lúa mới gặt ở ruộng về, độ ẩm khoảng 25%. Phơi trong nắng nhẹ để rút độ ẩm xuống khoảng 18%. Phơi nắng thứ hai mới rút độ ẩm xuống khoảng 12% là đạt yêu cầu. Khi phơi nắng phải đảo liên tục cho lúa khô đều. Phơi khô trong điều kiện nhiệt độ không cao làm tăng sức sống của hạt giống và bảo quản được lâu dài.

Bảo quản

Để hạt giống càng lâu thì hạt giống càng nảy mầm kém. Đó là điều xảy ra cho tất cả các loại hạt giống. Nếu đựng hạt trong bao đai hay nylon dệt (không kín) hạt giống rất nhanh mất sức nảy mầm, nhất là trong mùa mưa, có khi độ ẩm hạt giống lên tới 14 - 15%, từ đó chúng mất sức nảy mầm khá nhanh.

Khi phơi lúa đạt độ ẩm khoảng 12%, cho lúa giống vào bao nylon và buộc kín. Sau đó bao nylon được đựng trong bao bố, bỏ vài cục vôi sống dưới đáy để hút ẩm thường xuyên.

Nơi bảo quản hạt giống phải khô ráo, thoáng mát. Bao giống phải được kê bằng gỗ, không nên kê bằng gạch hay bằng những vật liệu khác.

Hạt giống sau 8 tháng vẫn có tỷ lệ nảy mầm khoảng 85 - 90% và sức sống của cây vẫn phát triển bình thường. Kỹ thuật bảo quản này được thực hiện với giống lúa trên 120 ngày.

Tròn ngoi lên mặt nước ngập để kể chuyện cho bạn nghe, hết chuyện rồi Tròn lại chìm đắm trong cơn mưa đây. Hãy nhớ truy cập vào 2 kênh  Fan Page Gạo Vinh Hiển hoặc Blog Gạo Kể Bạn Nghe  để cùng Tròn tâm sự đủ thứ nhé. Nếu có chủ đề nào hay thích mình tâm sự về vấn đề nào, cũng hãy để lại bình luận cho mình biết nhé.

← Bài trước Bài sau →